Đề xuất sáng kiến của Việt Nam tại sự kiện bên lề GEF6 về quản lý rác thải nhựa đại dương: Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương

Hiện nay vấn đề rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề chung cấp bách của toàn cầu và của khu vực. Theo báo cáo khoa học của Đại học Georgia (Hoa Kỳ), Trung Quốc, Indonexia, Philippin, Việt Nam và Thái Lan là 05 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất đổ ra đại dương. Trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường thế giới GEF 6, tại Sự kiện bên lề về quản lý rác thải nhựa đại dương, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến thực hiện dự án khu vực Thiết lậ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc sự kiện

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức sự kiện “Quản lý rác thải nhựa đại dương” với sự tham gia của cán bộ cấp cao và các chuyên gia hàng đầu của các tổ chức quốc tế như UNIDO, UNEP, Đại học Georgia-USA,  GEF, Chương trình Liên Hợp Quốc về môi trường và đại dương, PEMSEA, UNDP,IUCN, VCCI,…



Toàn cảnh phiên khai mạc sự kiện bên lề "Quản lý rác thải nhựa đại dương"

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ TNMT cho biết, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và các vấn đề nghiêm trọng, trong đó điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải, mà chủ yếu là rác thải nhựa, từ các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên đất liền và trên biển. Thực tế cho thấy, không chỉ riêng Việt Nam mà vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ở biển đã trở thành vấn đề của toàn thế giới, ô nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn  tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng,…

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi trình bày sáng kiến của Viêt Nam tại Hội nghị

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thông qua những cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như các hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 09 tháng 6 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương, khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Đặc biệt, Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến với các nước G7 thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, trong thời gian qua GEF là tổ chức có nhiều đóng góp hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng. Bộ trưởng đánh giá cao và bày tỏ sự tri ân chân thành tới những đóng góp đó.

Sự kiện bên lề GEF6 “Quản lý rác thải nhựa đại dương” được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) thực hiện tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Thảo luận nhóm vòng 1- tập trung vào nguyên nhân, hiện trạng và thách thức của rác thải nhựa đe dọa đến đại dương và những nỗ lực của GEF và UNEP để giải quyết vấn đề này; Thảo luận nhóm vòng 2 - tập trung vào các hoạt động của các nhóm thực thi giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương và đề xuất một sáng kiến trong phạm vi khu vực.

TS. Jenna R. Jambeck, Trường Đại học Geogia (Hoa Kỳ)

Theo kết quả nghiên cứu của TS. Jenna R. Jambeck, Trường Đại học Geogia (Hoa Kỳ), Việt Nam đứng hàng thứ tư trong 20 nước đứng đầu thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, trung bình khoảng 0.5 triệu tấn/năm. Cũng theo nghiên cứu này, 6 quốc gia thuộc khu vực các biển Đông Á nằm trong số 10 quốc gia đứng đầu thế giới về lượng chất thải nhựa không được quản lý.

Do đó, để giảm thiểu rác thải nhựa ở một khu vực biển hay đại dương cần có sự nỗ lực tham gia của cộng đồng quốc tế và các quốc gia liên quan. Hiện nay, tính đến thời điểm hiện tại, khu vực các biển Đông Á (bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thailand, Cambodia và Việt Nam) cũng chưa có một khuôn khổ chung hay một cơ chế, kế hoạch cụ thể cho những hoạt động, hành động giảm nhẹ rác thải nhựa ra biển và đại dương. Trong bối cảnh rác thải nhựa ở biển là vấn đề toàn cầu, với trách nhiệm của quốc gia thành viên thuộc khu vực, Việt Nam đề xuất dự án khu vực thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương. Mục tiêu của việc đưa ra sáng kiến này là:

1 - Thúc đẩy hợp tác, tăng cường phối hợp khu vực và chia sẻ kinh nghiệm với các hoạt động ở quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia trong giảm rác thải nhựa cho khu vực các biển Đông Á.

2 - Chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng việc tái chế và tái sử dụng nhựa; tạo lập cơ chế và huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của các cấp, các ngành và các bên liên quan đến sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa.

3 - Thiết lập cơ sở tri thức về rác thải nhựa ở biển, bao gồm cả hiện trạng rác thải nhựa trong khu vực, các quá trình hình thành, biến đổi, các tác động của rác thải nhựa  đến tài nguyên, môi trường và các hệ sinh thái biển, các kinh nghiệm, bài học, công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, tiêu dùng, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa ở biển.

4 - Tăng cường năng lực, đào tạo, chuyển giao công nghệ, tri thức; nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp để thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.

Thực tế hiện nay cho thấy, vấn đề rác thải nhựa ở biển chỉ có thể giải quyết thông qua những hành động cụ thể. Để đạt được các mục tiêu trên đây, Việt Nam đề xuất các hợp phần công việc cần tiến hành theo sáng kiến này, bao gồm:

Hợp phần 1- Xây dựng quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương.

Hợp phần 2 - Tăng cường năng lực quản lý rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á.

Hợp phần 3 - Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa ở biển và về sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nhựa.

Hợp phần 4 - Xây dựng cơ sở tri thức, nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai ứng dụng liên quan đến rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á; thành lập Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa.

Hợp phần 5 - Xây dựng và chuyển giao các mô hình giữa các nước trong khu vực các biển Đông Á, cũng như khu vực Đông Á với các khu vực khác trên thế giới.

Với những mục tiêu và nội dung của sáng kiến trên đây của Việt Nam, có thể thấy rằng việc thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương và thực hiện các nội dung của dự án vùng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực nhằm hiện thực hóa thông điệp “Chung tay vì một đại dương không có rác thải nhựa”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu bế mạc sự kiện

Bế mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành thay mặt Bộ trưởng cảm ơn các đại biểu, các tổ chức trong và ngoài nước đã tích cực tham gia và đóng góp ý kiến thảo luận những vấn đề liên quan đến chủ đề quản lý rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là sự ủng hộ của các tổ chức đối với Sáng kiến của Việt Nam về việc thiết lập mối quan hệ đối tác giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương khu vực biển Đông Á.

Đối với sáng kiến cuả Việt Nam, Thứ trướng Lê Công Thành nhấn mạnh: sáng kiến Việt Nam trình bày hôm nay đề xuất dự án khu vực thiết lập mối quan hệ đối tác các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương với các mục tiêu rất tổng thể, bao trùm nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường phối hợp khu vực trong giảm rác thải nhựa cho khu vực các biển Đông Á; tạo động lực cho việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng tái chế và tái sử dụng nhựa; thiết lập cơ sở tri thức về rác thải nhựa ở biển và đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa. Thứ trưởng nói: để đạt được các mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải chung tay có những hành động cụ thể, thiết thực, bao gồm việc xây dựng, phê duyệt và thực thi chiến lược và kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á; hợp tác nghiên cứu, đánh giá hiện trạng rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á và các tác động của rác thải nhựa tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển, sức khỏe con người; hợp tác, chuyển giao công nghệ để làm sạch biển; hợp tác trong ngăn ngừa rác thải nhựa ở biển từ nguồn và cuối cùng là thiết lập một Trung tâm quốc tế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các nghiên cứu trong xây dựng cơ chế, chính sách, đánh giá tác động của rác thải nhựa ở biển tới môi trường, các hệ sinh thái biển, các ngành kinh tế biển cũng như xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu và tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, tri thức giữa các quốc gia thành viên khu vực các biển Đông Á.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hoan nghênh và ghi nhận mọi ý kiến góp ý cho sáng kiến của Việt Nam tại sự kiện này, qua đó nhằm góp phần hiện thực hoá mục tiêu vì một đại dương không có rác thải nhựa. Những kết quả tốt đẹp của hội nghị “Quản lý rác thải nhựa đại dương” ngày hôm nay sẽ là đầu vào quan trọng cho Hội nghị bàn tròn cấp cao về rác thải nhựa đại dương diễn ra vào chiều ngày 27/6 cũng như đóng góp chung vào Kế hoạch hành động của Quỹ Môi trường toàn cầu trong thời gian tới, kế hoạch của các tổ chức quốc tế và mỗi quốc gia liên quan đến việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương. Việt Nam cam kết phát huy vai trò đề xuất sáng kết, nỗ lực hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện những nội dung của sáng kiến, đáp ứng tốt nhất các mục tiêu đề ra./.

Thu Loan

(Theo: vasi.gov.vn)


  • 10/23/2020 2:59:33 AM